
Trung tâm kinh tế số đa ngành của khu vực
Việc hợp nhất ba địa phương TP Hồ Chí Minh, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 1/7/2025 không chỉ là quyết định hành chính đơn thuần mà còn là cú huých chiến lược cho sự hình thành một "cực tăng trưởng" mới - nơi kết nối các trung tâm công nghiệp, công nghệ cao, cảng biển, dịch vụ và dân cư năng động nhất cả nước. Trên nền tảng này, TP Hồ Chí Minh mới được kỳ vọng trở thành trung tâm kinh tế số đa ngành của khu vực ASEAN.
Theo ông Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98, TP Hồ Chí Minh mới đang sở hữu một cấu trúc lý tưởng để phát triển kinh tế số: khu công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức cũ, hạ tầng logistics mạnh tại Bình Dương cũ, cùng hệ thống cảng biển chiến lược và tiềm năng năng lượng tái tạo của Bà Rịa - Vũng Tàu cũ. Việc liên kết các nền tảng này sẽ tạo thành một hệ sinh thái khép kín từ nghiên cứu, sản xuất đến phân phối và xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.
Thực tế, vừa qua TP Hồ Chí Minh đã sớm có những bước đi cụ thể trong hiện thực hóa tầm nhìn này. Cụ thể giữa tháng 6 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã ký kết hợp tác chiến lược với Tập đoàn Advanced Micro Devices (AMD) của Hoa Kỳ nhằm phát triển lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao và đầu tư R&D. Đây là động thái không chỉ giúp hiện đại hóa nền tảng hạ tầng số mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến các khu công nghiệp vệ tinh.
Ngoài ra, Trung tâm Chuyển đổi số TP Hồ Chí Minh cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với Tổng Lãnh sự quán Anh để thúc đẩy các sáng kiến về thành phố thông minh, AI, an ninh mạng và y tế số. Những mối quan hệ này mở rộng mạng lưới đối tác toàn cầu, gia tăng tính cạnh tranh và sức hút của TP Hồ Chí Minh mới đối với các nhà đầu tư công nghệ cao.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố đang tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số, công nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số toàn diện và năng lượng tái tạo, đồng thời sẵn sàng đón làn sóng đầu tư quốc tế để từng bước trở thành trung tâm công nghiệp tri thức của Đông Nam Á”.
Theo bà Diệu Thúy, TP Hồ Chí Minh không chỉ dừng lại ở phát triển số, TP Hồ Chí Minh mới cũng đang định hình một chiến lược toàn diện hướng tới nền kinh tế xanh, dựa trên tăng trưởng sạch, tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững. Với lợi thế hội tụ của cảng biển, công nghiệp, logistics và đô thị công nghệ cao, Thành phố có điều kiện thuận lợi để hình thành các chuỗi giá trị sản xuất xanh và dịch vụ carbon thấp.
Phát triển song song hai trụ cột
Theo báo cáo của Trung tâm StartupBlink, TP Hồ Chí Minh mới đã tăng hạng trên bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu, vươn lên vị trí 110 và lọt vào tốp 5 hệ sinh thái sáng tạo hàng đầu Đông Nam Á. Các trung tâm như thành phố Thủ Đức, khu đô thị sáng tạo phía Đông, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp Dĩ An - Bến Cát, trung tâm logistics Cái Mép - Thị Vải đang tạo nên mạng lưới đổi mới sáng tạo tích hợp, kết nối công nghiệp công nghệ cao với nghiên cứu - khởi nghiệp - logistics xanh.
Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc Dung, Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Sự tích hợp giữa các cụm công nghệ, logistics xanh và các đô thị sáng tạo sẽ là yếu tố then chốt để TP Hồ Chí Minh mở rộng phát triển song song hai trụ cột: kinh tế số và kinh tế xanh. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0 mà còn là điều kiện để thành phố tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh yêu cầu cao về ESG”.

Thực tế đã ghi nhận nhiều doanh nghiệp công nghệ, startup tại TP Hồ Chí Minh mới đang triển khai các mô hình kinh tế số - xanh: từ truy xuất nguồn gốc nông sản sạch, AI tiết kiệm năng lượng, đến logistics thông minh kết hợp năng lượng tái tạo và xây dựng trung tâm dữ liệu xanh tại Bình Dương. Song song đó, chính quyền Thành phố đang phối hợp với các tổ chức quốc tế để triển khai các chương trình đo lường khí thải, tiêu chuẩn tài chính xanh và lồng ghép các tiêu chí môi trường vào quy hoạch đô thị. Mục tiêu không chỉ là đạt tăng trưởng cao mà còn đảm bảo sự phát triển hài hòa với môi trường sống và chất lượng xã hội.
"Mục tiêu đến năm 2030, vùng TP Hồ Chí Minh mở rộng sẽ trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đồng thời là điểm đến hàng đầu của các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, để đạt được điều đó, Thành phố cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư vào hạ tầng số tốc độ cao, các khu công nghiệp xanh - thông minh, cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ - môi trường", bà Dung nói.
Trong khi đó, PGS.TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế độc lập, cho rằng: “Thành phố cần khẩn trương thiết lập các hành lang đổi mới xuyên tỉnh - nơi liên kết các trung tâm nghiên cứu, trường đại học, startup, khu công nghiệp và logistic xanh. Khi liên kết vùng chặt chẽ, hiệu quả đầu tư sẽ tăng lên và sức bật cho phát triển sẽ rõ nét hơn. Ngoài ra, việc ban hành một cơ chế điều phối vùng rõ ràng và thống nhất giữa ba địa phương cũng là chìa khóa để tránh chồng chéo quy hoạch, giảm chi phí hành chính và tạo nền tảng thuận lợi cho mô hình kinh tế số - xanh hoạt động hiệu quả".
Theo ông Lê Đăng Doanh, với một tầm nhìn chiến lược và sự chủ động trong đổi mới mô hình tăng trưởng, TP Hồ Chí Minh mới đang hội tụ đủ điều kiện để trở thành siêu đô thị dẫn dắt nền kinh tế số và kinh tế xanh của cả vùng Đông Nam Bộ. Việc kết hợp sức mạnh công nghiệp - công nghệ cao - cảng biển và đổi mới sáng tạo chính là con đường để TP Hồ Chí Minh vươn mình trở thành trung tâm kinh tế - công nghệ - môi trường có ảnh hưởng mạnh mẽ tại khu vực Đông Nam Á.
Ông Nguyễn Văn Được, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:
Trong suốt hình trình hình thành và phát triển, TP Hồ Chí Minh luôn là nơi khởi nguồn của những ý tưởng đổi mới, mang tính đột phá và dẫn dắt. Những thành quả mà Thành phố đạt được hôm nay chính là kết tinh của sự quan tâm, hỗ trợ từ Trung ương, các bộ ngành, các tỉnh thành bạn, cùng với tinh thần đồng hành mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ bền bỉ của người dân.
Đặc biệt, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào - từ những biến động kinh tế toàn cầu đến các thử thách trong nước, TP Hồ Chí Minh vẫn luôn giữ được sự ổn định về chính trị và kinh tế - xã hội. Nền tảng vững chắc ấy bắt nguồn từ việc chăm lo “an dân”, coi đó là yếu tố chính trị cốt lõi giúp thành phố vững bước đi đầu, vì cả nước, cùng cả nước.
Sau khi sáp nhập với tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ để thành TP Hồ Chí Minh mới, TP Hồ Chí Minh cũng đang hướng tới định vị mình như một siêu đô thị có sức cạnh tranh với các trung tâm lớn trong khu vực và thế giới. Trong hành trình đó, TP Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đầu tư mạnh cho khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là trụ cột để phát triển bền vững, toàn diện và sâu sắc hơn trong giai đoạn tới.
Bài và ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức và Dân tộc